Trong bài báo tựa đề Bộ quy tắc riêng cho khách du lịch Trung Quốc: Tại sao không? tác giả Nhân Tâm dẫn nhập: ‘Một bộ quy tắc ứng xử riêng dành cho khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam với sự tham gia của các ngành liên quan có thể là ‘chìa khóa’ giúp quản lý nguồn khách này hiệu quả hơn’.

Du khách Trung Quốc làm thủ tục xuất cảnh ở Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh. Ảnh: Minh Duy.
Bài viết dẫn chứng các số liệu về khách Trung Quốc đến Việt Nam, những vấn nạn và cách làm của một số nước. Tác giả nêu ý kiến của một số lãnh đạo doanh nghiệp và Tổng cục Du lịch. Tất cả đều thống nhất cần phải tăng cường tìm hiểu nhu cầu thực tế của khách, quản lý chặt chẽ và phối hợp đồng bộ, nhưng không ai nói tới một bộ quy tắc riêng.
Tuy nhiên, có ý kiến của bạn đọc ở bên dưới bài viết đề nghị lập ra quy định riêng: một ý kiến đề nghị cần “có quy định riêng dành cho khách Trung Quốc”, một ý kiến đề nghị cần có “văn bản quy định riêng về quản lý khách du lịch Trung Quốc”.
Cá nhân tôi hoàn toàn không đồng tình đề nghị này.
Theo hiểu biết của tôi, trên thế giới không nước nào có “bộ quy tắc riêng dành cho du khách Trung Quốc”. Họ không “dại dột” hành xử như vậy. Năm 2017, Thái Lan, dù không có biên giới chung với Trung Quốc như Việt Nam, họ vẫn đón hơn 10 triệu khách Trung Quốc. Họ dịch hẳn sang tiếng Trung cuốn Sổ tay hướng dẫn cách hành xử văn minh khi đến Thái Lan để phát cho khách Trung Quốc.
Singapore thì có cuốn sổ tay Những điều cần biết khi đến Singapore dành cho tất cả du khách nước ngoài, họ tặng cho từng đoàn, từng nhóm khách, riêng đối với khách Trung Quốc thì họ tặng cho từng người. Campuchia cũng có “China Ready Centre” (Trung tâm sẵn sàng phục vụ khách Trung Quốc) nhằm khai thác một cách hiệu quả nhất thị trường khách này.
So với Thái Lan, Việt Nam có 1.350 ki lô mét đường biên giới với Trung Quốc cùng hàng chục cửa khẩu đường bộ, năm 2007 mới chỉ đón hơn 4 triệu khách Trung Quốc là đã hốt hoảng, lúng túng. Theo tôi, nhiều vấn nạn của khách Trung Quốc ở Việt Nam là do cách quản lý lỏng lẻo, yếu kém và không phải không có kiểu “quân ta hại quân mình”, và vì thế mà bị họ xem thường, “lờn mặt”.
Nếu không thay đổi cách quản lý, cứ cả nể, du di, xử phạt nhẹ hều thì cho dù ta có cả chục bộ quy tắc e rằng cũng chẳng thay đổi được gì. Xin đừng đẻ thêm văn bản và khẩu hiệu nữa, thay vào đó là những việc làm cụ thể. Luật đã ban hành thì cứ thẳng tay xử phạt, trục xuất nếu khách vi phạm; truy cứu trách nhiệm các cá nhân, đơn vị trong nước sai phạm.
Ta là chủ nhà, người Việt vẫn luôn thân thiện, niềm nở mời gọi khách từ khắp năm châu đến chơi, nhưng họ phải tôn trọng phong tục, văn hóa và luật pháp Việt Nam, nhất là chủ quyền của Việt Nam. Việc ban hành một bộ quy tắc riêng là phân biệt đối xử, là kỳ thị khách. Thiết nghĩ Việt Nam cần tham khảo những cách làm đơn giản, khôn ngoan và thiết thực của các nước như những ví dụ nêu ở trên.
Tôi cũng xin chia sẻ thêm suy nghĩ về tư duy lập bộ quy tắc ứng xử trên xứ ta. Tổng cục Du lịch và nhiều tỉnh thành đã có hẳn các “bộ quy tắc ứng xử cho khách du lịch”, mỗi nơi một kiểu. Đã có khách cắc cớ hỏi: “Chỉ có du khách cần ứng xử văn minh lịch sự nơi công cộng, còn “người nhà” thì sao? Đáng lẽ chủ nhà phải gương mẫu trước chứ!”.
Thật ra, chẳng nước nào làm thế. Thiên hạ chỉ có “bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng” dành cho tất cả mọi người, chứ không riêng gì du khách. Ở Việt Nam, hình như chỉ có tỉnh Đồng Tháp là học cách làm của “thiên hạ”, thay vì theo cách của Tổng cục Du lịch.
Theo tôi, một bộ quy tắc ứng xử văn minh nơi công cộng dành cho cả chủ lẫn khách thì rất cần, chứ còn kiểu “trăm hoa đua nở” như hiện nay chỉ chứng tỏ hiện trạng quản lý lộn xộn, chồng chéo, mạnh ai nấy làm.