Theo Thông tư số 15/2018 ngày 20-5 của Bộ Y tế, sẽ có 88 dịch vụ kỹ thuật được điều chỉnh, bổ sung giá. Trong đó điều chỉnh giảm 70 dịch vụ và điều chỉnh tăng 9 dịch vụ-ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-tài chính, Bộ Y tế cho biết.
Điều chỉnh giảm giá 88 dịch vụ y tế
Giải thích về lý do ban hành Thông tư 15 Quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các BV cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp, ông Nam Liên cho biết: Mặc dù giá dịch vụ quy định tại Thông tư 37/2015 ngày 29-10-2015 của liên Bộ Y tế, Tài chính) vẫn chưa tính đúng, tính đủ chi phí trực tiếp để thực hiện dịch vụ, chưa tính chi phí quản lý, khấu hao nhưng vẫn phải điều chỉnh vì khi xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ Y tế đã tính toán và báo cáo mức đóng BHYT là 3% phù hợp với mức viện phí quy định tại Thông tư 14 năm 1995 và Thông tư 03 năm 2006.
Mức đóng 4,5% lương phù hợp với mức giá dịch vụ tính đủ chi phí trực tiếp. Khi mức giá tính thêm tiền lương, chi phí quản lý, khấu hao theo lộ trình thì phải điều chỉnh mức đóng BHYT tăng lên và Luật đã quy định tối đa 6% lương. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ, từ nay đến năm 2020 chưa điều chỉnh mức đóng BHYT, do đó phải điều chỉnh mức giá để bảo đảm cân đối quỹ BHYT cho đến năm 2020.
Thực tế cho thấy, đối với những dịch vụ có số lượng sử dụng nhiều thì cần phải giảm giá để hạn chế việc chỉ định trong các trường hợp không cần thiết. Vì thế, việc điều chỉnh lần này để hạn chế, kiểm soát việc chỉ định các dịch vụ.

Giá giữa các hạng BV là khác nhau
Trước ý kiến cho rằng định mức kinh tế-kỹ thuật (KT-KT) để tính giá chưa sát với thực tế, chủ yếu được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát của các BV tuyến trên. Ông Nguyễn Nam Liên thông tin: Các định mức KT-KT đã được khảo sát, xây dựng, thẩm định và ban hành để tính giá tại Thông tư 37 và điều chỉnh một số giá tại Thông tư 15 theo đúng quy định, phù hợp với đại đa số BV, dựa trên kết quả khảo sát thực tế tại khoảng 30 BV, tổng hợp báo cáo của 4 BV hạng đặc biệt, 56 BV hạng 1; 140 BV hạng 2; hơn 250 BV hạng 3 nên ý kiến số liệu chỉ căn cứ vào tuyến Trung ương là chưa chính xác.
Cụ thể, giá khám bệnh đã xây dựng 6 loại định mức KT-KT cho 6 hạng BV là hạng đặc biệt, hạng 1, Hạng 2, hạng 3, hạng 4 và trạm y tế xã. Không lấy định mức của BV hạng đặc biệt, hạng 1 tuyến trung ương làm định mức cho tuyến huyện, tuyến xã.
Giá ngày giường bệnh đã xây dựng 41 loại định mức theo 5 hạng BV và trạm y tế xã. Trong mỗi hạng BV có 9 loại giường giường điều trị tích cực, giường cấp cứu, giường nội khoa có 3 loại theo mức độ chăm sóc của các khoa; giường ngoại khoa có 4 loại theo mức độ nặng, nhẹ của các phẫu thuật.
Riêng các dịch vụ kỹ thuật, để khuyến khích các BV tuyến dưới thực hiện các dịch vụ để người dân có điều kiện tiếp cận, không phải lên tuyến trên mới được thực hiện (theo đúng tinh thần Nghị quyết 20 của Hội nghị Trung ương 6), liên Bộ thống nhất mức giá của các BV là như nhau. Tuy nhiên, trong mỗi hạng BV có hàng trăm BV, Luật BHYT quy định liên Bộ Y tế – Tài chính ban hành giá thống nhất theo hạng BV nên sẽ có BV có thực tế sử dụng thấp hơn hoặc cao hơn định mức bình quân chung.
Điều chỉnh giá để cân đối quỹ BHYT
Trước một số ý kiến cho rằng, hầu hết các BV đều có cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị cũ… Ông Nam Liên cho rằng ý kiến đó là chưa chính xác, phủ nhận sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, của các địa phương đối với ngành y tế.
Thực tế thời gian vừa qua, nhà nước đã đầu tư nâng cấp trên 550 BV tuyến huyện, gần 200 BV tuyến tỉnh, các BV đã huy động vốn, vay vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng khang trang, chỉ còn một số ít BV huyện chưa được đầu tư; kết quả đánh giá sự hài lòng của người bệnh cho thấy tỷ lệ người bệnh hài lòng về cơ sở vật chất BV ngày càng tăng.
Về giá các loại vật tư, hóa chất để tính giá dịch vụ, Bộ Y tế đã căn cứ vào kết quả trúng thầu của các BV, cả Trung ương và địa phương, cả kết quả trúng thầu do đấu thầu tập trung của địa phương; không lấy giá trung bình cộng của các kết quả trúng thầu để xác định trên cơ sở 2 vòng.
Vòng 1 so sánh giá trung bình với giá trúng thầu của các đơn vị, loại các giá trúng thầu cao hơn, thấp hơn trên 25%, chỉ giữ lại các giá trúng thầu cao hơn hoặc thấp hơn dưới 25% để tính mức giá trung bình, làm cơ sở tính chi phí và quyết định mức giá. Như vậy, ý kiến nêu có sử dụng mức giá cao gấp 100 lần là không đúng.
Theo ông Nam Liên, việc điều chỉnh giá lần này sẽ góp phần tăng khả năng cân đối quỹ BHYT đến năm 2020 trong điều kiện chưa điều chỉnh mức đóng BHYT. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh có bị ảnh hưởng là giảm nguồn thu dịch vụ y tế.
Bên cạnh đó, các dịch vụ điều chỉnh phần lớn là các dịch vụ về giường bệnh, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm nên giảm việc chỉ định dịch vụ quá mức cần thiết.
Bộ Y tế sẽ có chỉ đạo các BV tăng cường tiết kiệm chi phí để nâng cao chất lượng dịch vụ đồng thời đối với các chi phí để bảo đảm hoạt động thường xuyên của đơn vị nếu nguồn thu không bảo đảm thì đơn vị được ngân sách Nhà nước bảo đảm theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.
Về phía người bệnh, giá dịch vụ giảm nên phần đồng chi trả của người bệnh giảm, việc điều chỉnh cũng làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT, ông Nam Liên nhấn mạnh.
Thịnh An