Trước sức tăng trưởng mạnh mẽ của ngành dược, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn ngoài ngành đã lên tiếng sẽ tham gia vào thị trường dược phẩm. Nắm trong tay mạng lưới các điểm bán lẻ rộng lớn, các doanh nghiệp ngoài ngành này được cho là có nhiều lợi thế về mảng phân phối.

“Miếng bánh” lớn
Theo hãng nghiên cứu thị trường IMS Health, chi tiêu của người Việt cho dược phẩm có tốc độ gia tăng nhanh. Nếu năm 2011, mức chi tiêu bình quân là 27,1 đô la Mỹ/người/năm thì hiện nay đã tăng lên 45,8 đô la. Tuy nhiên, con số này cũng mới chỉ bằng một nửa của nhiều nước trong khu vực. Dự báo con số sẽ tăng lên đến 85 đô la Mỹ/người vào năm 2020.
Theo các nghiên cứu của BMI, Ngân hàng ADB, Cục Thống kê Việt Nam và IMS, quy mô tiêu thụ trên thị trường dược vào khoảng 5-7 tỉ đô la Mỹ/năm. Dự báo con số này sẽ đạt 7,7 tỉ đô la Mỹ vào năm 2021 và tăng lên 16,1 tỉ đô la vào năm 2026, tương ứng tốc độ tăng 11%/năm.
Với những con số nghiên cứu thị trường hấp dẫn như vậy, cuối quí 1-2018, Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã lên tiếng sẽ hợp tác với Dược Hậu Giang phát triển các loại thực phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng. Tập đoàn Masan cũng cho biết đang nghiên cứu việc tham gia vào ngành dược. Trước đó, các hãng kinh doanh hàng điện tử như Thế giới Di động, FPT Retail, Digiworld đã tham gia phân phối một số mặt hàng thuộc lĩnh vực này.
Nhưng theo một số chuyên gia trong ngành, thị trường dược Việt Nam hiện còn nhiều bất cập, từ hoạt động sản xuất, chất lượng thuốc đến khâu phân phối, mặt bằng giá cả… Việc chen chân cạnh tranh của các nhà đầu tư mới trên thị trường này sẽ không hề đơn giản.
Ở lĩnh vực sản xuất dược, số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy hiện có khoảng 178 nhà sản xuất nhưng mới chỉ có bảy cơ sở sản xuất nguyên liệu hóa dược, trong đó chỉ hai cơ sở đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất thuốc tốt (GMP). Ngành công nghiệp dược Việt Nam chưa thể sản xuất thuốc biệt dược, hầu hết thuốc sản xuất ở trong nước là thuốc gốc (generic) có giá trị thấp, khả năng cạnh tranh kém. Việc áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ đầu tư nghiên cứu thuốc mới của các công ty trong nước chỉ ở mức 5% doanh thu so với 15% của các công ty nước ngoài… Riêng về nguyên liệu sản xuất, hàng năm, ngành dược sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại mà lượng nhập khẩu đã chiếm đến 80-90%.
Mục tiêu lợi nhuận: sản xuất hay phân phối?
Theo ông Nguyễn Quý Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Dược Việt Nam, muốn phát triển ngành hóa dược ở Việt Nam, các công ty dược phải tập trung đầu tư chiều sâu vào phòng thí nghiệm, trang bị các dây chuyền nghiên cứu và sản xuất công nghiệp, xây dựng đội ngũ tiếp thị, truyền thông…
Nhưng trên thực tế, theo dược sĩ Nguyễn Thành Danh, Giám đốc điều hành Besins Healthcare France tại Việt Nam, nhiều công ty có khuynh hướng muốn sản xuất hàng nhanh, hàng rẻ tiền, mà nguyên nhân một phần là do việc đầu tư nghiên cứu – phát triển (R&D) trong lĩnh vực dược đòi hỏi năng lực cao, chi phí lớn. Ngay cả khi các doanh nghiệp có thể ra nước ngoài mua một công ty sản xuất thuốc sinh học phân tử (điều trị các bệnh như ung thư, tim mạch, tiểu đường…) thì đây cũng là một cuộc chơi đầy phiêu lưu, bởi nếu sản phẩm nghiên cứu không thành công thì mất hàng tỉ đô la.
Đó là chưa kể một phân khúc không dễ cạnh tranh trên thị trường đang thuộc về các tên tuổi lớn của ngành dược Việt Nam như Dược Hậu Giang, Glomed, Traphaco, Domexco… Đứng sau lưng họ đang có những công ty, quỹ đầu tư nước ngoài đến Việt Nam mở rộng thị trường, đưa công nghệ, nguyên liệu sang để sản xuất các loại thuốc đặc trị nhắm tới đấu thầu đưa thuốc vào hệ thống các bệnh viện.
Theo ông Danh, có một mảng mà nhiều người cho rằng các công ty dược nên đầu tư, đó là hiện đại hóa ngành đông dược có sẵn và nghiên cứu phát triển thị trường đông dược. Tuy vậy, hiện các loại thuốc đông dược chỉ mới được biết đến ở thị trường trong nước và chưa có giá trị lớn trong điều trị. Bên cạnh đó, những việc như chuẩn hóa hồ sơ đăng ký sản phẩm, hồ sơ xuất khẩu sản phẩm (dành cho sản phẩm xuất khẩu theo tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu) cho các sản phẩm đông dược là những phần việc hết sức khó khăn, phức tạp nên có thể chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư.
Như vậy, nhiều khả năng những kỳ vọng cạnh tranh trong sản xuất thuốc ở Việt Nam là nhắm vào sản xuất thuốc OTC (không kê toa) và thực phẩm chức năng – một địa hạt vốn đã cạnh tranh rất dữ dội. Dược sĩ Nguyễn Văn Liêm, nguyên giám đốc một nhà máy dược thuộc Công ty Dược Sài Gòn (Sapharco), cho biết hiện “top 10” công ty sản xuất dược của Việt Nam đang đẩy ra thị trường khá nhiều sản phẩm trùng nhau và tập trung vào quảng cáo, tiếp thị để nâng cao nhu cầu sử dụng. Trong khi đó, theo bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Traphaco, đối với thuốc OTC và thực phẩm chức năng, chỉ cần một mặt hàng nào được bán ra mạnh là các công ty sẽ nhanh chóng tung ra loại sản phẩm đó với mức giá rẻ hơn để cạnh tranh.
Theo ông Danh, ngay cả ở mảng thị trường này thì các công ty dược nước ngoài vẫn chiếm lợi thế hơn do họ có thương hiệu. Đặc biệt, thị trường thực phẩm chức năng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng người tiêu dùng lại không đánh giá cao các sản phẩm của Việt Nam. Những công ty trong nước đang chiếm lĩnh mảng thị trường này là những công ty có nhà máy, có nghiên cứu sản phẩm, có cách thức tiếp thị hiệu quả. Còn đa số các nhà sản xuất khác có xu hướng chuyển sang nhập khẩu.
Nhìn chung, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp vẫn đang tập trung vào thuốc OTC và thực phẩm chức năng. Tuy có thêm những doanh nghiệp ngoài ngành đang có kế hoạch nhảy vào thị trường nhưng được dự đoán rằng thị trường sẽ không thay đổi nhiều.
Cũng có ý kiến cho rằng những “người mới” tham gia vào thị trường dược đang kỳ vọng lợi nhuận từ hoạt động phân phối.
Hoàng Nhung