Sáng nay 30/3, Quốc hội thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.
Bàn luận tại Hội trường ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) thì nêu thực tiễn hoạt động điều tra, truy tố, xét xử cho thấy có những điều tra viên, kiểm soát viên vẫn chưa thay đổi tư duy, thói quen, nhận thức cũ để phù hợp với những quy định mới. Nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc bản án phải dựa vào kết quả tranh luận tại tòa chưa được áp dụng triệt để.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) Ảnh quochoi.vn.
“Người bị tạm giữ hay tạm giam theo Luật là những người chưa có tội nhưng phải chịu những điều kiện giam giữ khắc nghiệt, thậm chí là hơn cả thi hành án. Vẫn còn tình trạng nghi can, bị can chết khi bị tạm giữ tạm giam, dù nguyên nhân là tự tử đi chăng nữa vẫn là khuyết điểm“, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nhận định.
Không ít doanh nhân trong và ngoài nước hết sức lo lắng khi có những phán quyết trọng tài thương mại bị Tòa án hủy bỏ vì những tiểu tiết hay những lý do vô lý, khiến cho họ rất ngại khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Khi có tranh chấp vi phạm, lừa đảo, bị xâm hại, họ chờ đợi Nhà nước mà trực tiếp là các cơ quan tiến hành tố tụng khôi phục công bằng cho họ, nghĩa là ban hành quyết định phán quyết dựa trên công lý. Muốn có công bằng thì phải có công lý. Những điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán có vinh dự gánh trọng trách giữ vững niềm tin của nhân dân vào chế độ thông qua hoạt động tố tụng. Muốn vậy họ phải giữ vững được sự liêm chính.
“Nếu thẩm phán và kiểm sát viên có mức đãi ngộ tương xứng, cùng với quy trình tuyển chọn, thải loại nghiêm ngặt về đức và tài thì tôi tin rằng cử tri và nhân dân sẽ có được điều mà họ luôn mong ước đó là người lương thiện, người vô tội chắc chắn sẽ được công lý bảo vệ dù họ giàu hay họ nghèo. Công lý không bao giờ là đối tượng được mua bán như là Nguyễn Du đã miêu tả trong truyện Kiều“, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho hay.
Vẫn còn tình trạng “xã hội đen bảo kê”
Trao đổi ý kiến tại hội trường, ĐBQH Sùng Thìn Cò (đoàn Hà Giang) bàn luận thẳng thắn về “vấn nạn xã hội đen bảo kê”.

ĐBQH Sùng Thìn Cò (đoàn Hà Giang). Ảnh quochoi.vn
“Những vấn đề này không biết các đồng chí đại biểu chúng ta có biết không? Nhưng chúng ta mà biết mà chúng ta không hành động thì đang thiếu trách nhiệm với nhân dân. Cho nên từ tình hình đó, để giữ sự bình yên cho nhân dân, giữ hạnh phúc chung cho cả dân tộc, cả quốc gia thì tôi đề nghị chúng ta phải tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật đến tận người dân. Làm trong sạch những địa bàn có nguy cơ tệ nạn xã hội này nó có thể kéo tới đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Công tác giáo dục pháp luật là rất quan trọng, tôi đề nghị phải đưa công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật lên hàng đầu..
Một việc nữa là chúng ta phải xử lý nghiêm các cá nhân, cơ quan, tổ chức mà liên quan đến “bảo kê” gây nhức nhối. Phải xử lý nghiêm và công khai thì mới bình yên được“, ĐBQH Sùng Thìn Cò đưa ra quan điểm.
Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia;
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia bằng hình thức bỏ phiếu kín; Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu;
Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; Thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.
Quang Vũ