Dư luận vừa qua xôn xao, phần lớn là bất bình, khi ông Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chuyển các ‘trạm thu phí’ thành ‘trạm thu giá’ (cách gọi rút gọn của ‘Trạm thu giá dịch vụ đường bộ’) và ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo mở rộng từ ‘học phí’ thành ‘giá dịch vụ đào tạo’.
Cả hai ông bộ trưởng đều viện dẫn vào Luật Giá. Tuy nhiên, khi rà kỹ trong Luật Giá thì chẳng tìm ra từ nào liên quan đến ‘thu giá’ hoặc ‘giá dịch vụ đào tạo’ cả?! Từ điển tiếng Việt cũng chẳng có những từ hay cụm từ như thế. Thật ra, cả hai đều có cùng bản chất là ‘thu tiền’.
Không chỉ ngành giáo dục mà nhiều người, kể cả giới truyền thông, đã cố tình làm cho ngôn từ tiếng Việt trở nên loằng ngoằng hơn. Có thể họ muốn né tránh tính “nhạy cảm” của nó hay đánh tráo khái niệm chăng?
Có thể đưa ra một số ví dụ: từ “đình công” được diễn thành “ngưng (ngừng) việc tập thể”; “biểu tình” thành “tụ tập diễu hành đông người”; “hối lộ” thành “tặng quà trên mức tình cảm”; “tàu xe” thành “phương tiện giao thông”; “lái xe” thành “người điều khiển phương tiện giao thông”; “cưỡng chiếm” thành “chiếm đóng trái phép”; “đính chính” thành “nói lại cho rõ”; “cách chức” thành “bị cho thôi chức”; “chia rẽ” thành “phân hóa nội bộ”; “trễ/hoãn bay” thành “bay chưa đúng giờ”…
Có một dạo, dư luận rộ lên chuyện Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra bản dự thảo điều lệ trường tiểu học, trong đó có đặt ra các chức danh “chủ tịch/phó chủ tịch hội đồng tự quản” thay cho các chức vụ trưởng lớp/phó lớp đã quen thuộc.
Khoan bàn đến chuyện các tên gọi mới này có ý nghĩa gì trong cải cách hay nâng cao chất lượng giáo dục hơn hay không, chỉ nói đến việc chúng làm cho tiếng Việt bao đời nay bỗng hóa ra loằng ngoằng, luộm thuộm hơn, khó mà thông hiểu. Các lý giải từ phía các quan chức thường chủ quan và mông lung, đặc biệt là không có dữ liệu khoa học cụ thể để chứng minh và so sánh những sự thay đổi đó có gì tốt hơn, chỉ tạo thêm sự bất bình trong dư luận và làm cho tiếng Việt méo mó.