Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ra Thông tư 46/2020/TT-BGDĐT ban hành Chương trình môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp trung học phổ thông với các yêu cầu cụ thể.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2021, áp dụng đối với các trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học trong đó có cấp trung học phổ thông và tổ chức, cá nhân có liên quan. Môn Giáo dục quốc phòng và an ninh góp phần hình thành, phát triển ở học sinh các năng lực chung được quy định trong Chương trình tổng thể thông qua năng lực đặc thù của môn học là: năng lực nhận thức các vấn đề quốc phòng, an ninh và năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng quân sự đã học vào cuộc sống.

Tuyên truyền Luật An ninh mạng tại trường THPT Cẩm Phả, Quảng Ninh. Ảnh: Bảo Long
Về yêu cầu nhận thức các vấn đề về quốc phòng, an ninh, học sinh nêu được nội dung cơ bản của Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Giao thông đường bộ, Luật Bảo vệ môi trường, Luật An ninh mạng.. Về yêu cầu vận dụng kiến thức, kỹ năng quân sự đã học vào cuộc sống, học sinh thực hiện được pháp luật về trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng và chống ma túy, an ninh mạng, an ninh phi truyền thống; có kĩ năng phòng và chống thiên tai, dịch bệnh cho bản thân và cộng đồng.
Theo chương trình, học sinh lớp 10 sẽ được học về một số hiểu biết về an ninh mạng, nằm trong chủ đề một số hiểu biết chung về quốc phòng và an ninh. Trong đó, yêu cầu cần đạt với học sinh là nắm được một số khái niệm cơ bản về mạng, an ninh mạng, bảo mật thông tin cá nhân trên môi trường không gian mạng; nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng. Bên cạnh đó, học sinh biết cách bảo mật thông tin cá nhân, cảnh giác trước những thủ đoạn xâm nhập, phát tán mã độc, thông tin giả trên mạng…
Kể từ ngày 01/01/2019, Luật An ninh mang đã chính thức có hiệu lực. Sau 02 năm đi vào cuộc sống, bộ luật này đã đem lại nhiều kết quả tích cực cho người dân, xã hội. Môi trường không gian mạng trở nên văn hóa, lành mạnh hơn; hàng trăm bài viết với thông tin thất thiệt đã bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; thông tin cá nhân được bảo vệ; hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng được đảm bảo…
Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều, quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Sự ra đời của Luật An ninh mạng đã góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý bảo vệ chủ quyền, lợi ích an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng, xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh.
Kim Hảo