Nhớ mãi không quên hơn 20 năm về trước, chuyến thâm nhập nơi ‘sơn cùng thủy tận’ lên xã Mai Sơn, huyện Tương Dương cực tây nam của tỉnh Nghệ An.
Không còn “tím trời Mai Sơn”
Bài & ảnh: MINH THƯ
Thứ Ba, 29-06-2021, 14:59

Điểm Trường tiểu học Piêng Coọc, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương (Nghệ An).
“Tím trời Mai Sơn” là tít của thiên phóng sự trong lần đi đầy gian nan đó, kể trên trang báo về vùng đất quanh năm “ủ trong mây” và giữa miền “rét sương” heo hút bạt ngàn sắc tím hoa anh túc.
Đến được vùng đất xa xôi này, từ trung tâm lên xã nhanh nhất phải mất bốn ngày lội bộ. Ngược Huồi Xá qua bản Huồi Tố, đến bản Na Kha của người Thái dưới thấp, leo dốc một giờ nữa mới đến bản Piêng Coọc, Phà Kháo của người H’Mông. Ngày đó vùng đất thuộc Mường Lằm bên dòng Nậm Nơn vẫn chưa ngập dưới lòng hồ thủy điện. Vùng đất Mai Sơn được mệnh danh là nơi có một trong những “đệ nhất” của loài gỗ đinh hương phía tây nam tỉnh Nghệ An. Thật ra xã Mai Sơn được tách ra từ xã Luân Mai, nơi một thời người Pháp đã truyền đạo và đóng đồn trú ở bản Xốp Pe.
Lên Piêng Coọc lần này không phải là “anh báo” (nhà báo) đầu tiên đến với Mai Sơn nữa. Năm 2015, tỉnh Nghệ An đầu tư xây dựng tuyến đường tây Nghệ An (tỉnh lộ 543) trên độ cao hơn 1.500 m và thông tuyến đưa vào sử dụng. Con đường “ngang trời” kết nối hai tuyến QL7A và QL48 đi qua các bản làng của 10 xã thuộc ba huyện rẻo cao thuộc diện 30a Quế Phong, Tương Dương và Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Đồng thời cuối năm 2015, Bộ Giao thông vận tải cũng quyết định chuyển và nâng cấp tuyến đường nối các huyện tây Thanh Hóa và tuyến đường tây Nghệ An (tỉnh lộ 543) thành QL16. Tổng chiều dài 184 km, có quy mô đường cấp V miền núi, đây là tuyến đường quan trọng nối tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Liên kết các vùng khu vực biên giới, nối trung tâm các huyện, các xã miền tây Nghệ An… Quá trình xây dựng công trình huyết mạch phía tây Nghệ An là câu chuyện dài mang quyết tâm cao độ của Nghệ An trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo ở các huyện miền núi cao.
Ông Lương Văn Hóa, Bí thư Đảng ủy xã Mai Sơn, vui vẻ tâm sự: “Nhờ có “đường ra đường”, thuận lợi cho bà con lên bản dưới xuống mường trên. Nhờ có đường, nhiều người đã biết đến vùng đất còn nhiều khốn khó để xây dựng dự án và có nhiều chương trình hỗ trợ giúp bà con người H’Mông, người Thái, Khơ Mú thoát khỏi bệnh tật, đói nghèo…”. Lên Mai Sơn, qua các bản Huồi Xá, Na Kha…, đứng trên cầu Khe Bén mới thấy hết sự kỳ vỹ của con đường “ngang trời” phía ấy thật sự là huyết mạch, cơ hội cho đồng bào các dân tộc ba huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong vùng rẻo cao biên giới thuộc diện 30a của Nghệ An mở lối thoát nghèo, có được những mùa xuân ấm no, hạnh phúc! Đường đến đâu cuộc sống sinh sôi đến đó. Bà con người Thái, H’Mông, Khơ Mú đã rời khỏi những nơi hang hốc tăm tối và núi cao ra gần đường để hưởng ánh sáng điện văn minh. Nơi đây không còn heo hút bóng người bởi hằng ngày xe máy, ô-tô vận chuyển hàng hóa, chở khách tấp nập qua lại…
Về lại nơi này, thấy sắc tím của “phù dung” đã thật sự đi vào dĩ vãng.