Chiều 17-2, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo theo hình thức trực tuyến.
Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng chủ trì cuộc họp.
Tập trung rà soát mầm bệnh ở các khu công nghiệp
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội, từ ngày 15-2 đến ngày 17-2-2021, Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc mới. Lũy tích từ ngày 27-1 đến nay, Hà Nội ghi nhận 35 ca mắc ngoài cộng đồng (quận Nam Từ Liêm 13 ca, quận Cầu Giấy 6 ca, huyện Đông Anh 5 ca, huyện Mê Linh 5 ca, quận Hai Bà Trưng 2 ca, quận Tây Hồ 2 ca, quận Đống Đa 1 ca và quận Ba Đình 1 ca).
Các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố tiếp tục được duy trì. Các đơn vị, địa phương đã rà soát, xét nghiệm 17.528 người tại 18 địa điểm có liên quan đến các ca bệnh, tất cả các trường hợp này đều có kết quả âm tính với vi rút SARS-CoV-2; rà soát 1.517 người về từ huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương) từ ngày 15-1 đến 14h ngày 17-2-2021, đã lấy mẫu xét nghiệm 1.150 người, trong đó 437 người có kết quả âm tính với vi rút SARS-CoV-2, số còn lại chưa có kết quả.
Từ diễn biến thực tế của dịch, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh nhận định: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc cho phép các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh để làm việc, mặc dù các chuyên gia đã được cách ly theo quy định nhưng vẫn có nguy cơ tiềm ẩn dịch. Bên cạnh đó, sau Tết là thời gian nhiều người dân ở các tỉnh, thành phố khác trở lại Hà Nội làm việc nên có nhiều nguy cơ lây lan dịch. Thêm nữa, vẫn còn hiện tượng người dân tập trung đông người, đi lại không cần thiết, chưa đeo khẩu trang…
Sở Y tế Hà Nội đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát chặt chẽ nguy cơ lây lan dịch từ việc người dân các địa phương quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết; tuân thủ nghiêm việc khai báo y tế; mở rộng quy mô xét nghiệm sàng lọc diện rộng tại các khu vực có nguy cơ, đặc biệt là ở khu công nghiệp, khu vực có chuyên gia người nước ngoài sinh sống, làm việc…
Tại cuộc họp, các đơn vị tập trung báo cáo tình hình rà soát, quản lý người dân các tỉnh, thành phố khác quay trở lại địa phương làm việc sau kỳ nghỉ Tết và các trường hợp liên quan đến ca bệnh mới. Đơn cử, quận Tây Hồ duy trì hoạt động của các tổ giám sát cộng đồng; rà soát có 106 trường hợp F1, 22 trường hợp F2 và tổ chức cách ly theo quy định; thực hiện nghiêm túc việc phong tỏa đối với khu vực có ca bệnh là người nước ngoài tử vong trên địa bàn. Quận Ba Đình tập trung giám sát 8 trường hợp nghi ngờ; rà soát có 47 trường hợp F1, 392 trường hợp F2 và 673 trường hợp F3; duy trì hoạt động của 164 tổ giám sát cộng đồng với hơn 1.000 thành viên. Quận Hoàn Kiếm tiếp tục giám sát chặt chẽ công tác cách ly tại các khách sạn, nhà riêng; huy động 394 tổ giám sát cộng đồng thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch và cập nhật thông tin hằng ngày; chỉ đạo 18 phường ra quân đồng loạt kiểm tra việc đóng cửa các di tích, quán cà phê, trà đá… Huyện Mỹ Đức thực hiện nghiêm việc dừng hoạt động lễ hội chùa Hương, thành lập 9 chốt chặn để nhắc nhở du khách. Huyện Đông Anh tập trung rà soát người lao động ở nơi khác về làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn, tổ chức xét nghiệm các trường hợp đi về từ vùng có dịch. Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội báo cáo đến thời điểm hiện tại, số lượng người lao động ở các địa phương khác quay trở lại các đơn vị làm việc chỉ đạt khoảng 80%, thấp hơn so với cùng thời điểm năm ngoái. Ban Quản lý đã yêu cầu các chủ đầu tư trang bị phương tiện phòng, chống dịch; xây dựng phương án ứng phó với mọi diễn biến của dịch; yêu cầu người lao động tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch khi quay trở lại làm việc tại đơn vị; khuyến cáo các khu công nghiệp tổ chức xét nghiệm cho người lao động đi từ vùng có dịch về…
Tiếp tục cập nhật…
Hồng Hạnh