Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê sáng 29/6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,61% so với tháng trước, cao nhất trong 7 năm gần đây.
Về lạm phát cơ bản, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản tháng 6/2018 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 1,35% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Chỉ số CPI từ tháng 1 đến tháng 6 so cùng kỳ năm trước có tốc độ tăng dần từ mức 2,65% trong tháng 1 lên mức 4,67% trong tháng 6, bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,37% so với tháng trước, cao hơn rất nhiều so với mức 0,03% của 6 tháng đầu năm 2017.
Theo đánh giá, lạm phát trong 6 tháng đầu năm ở mức khá cao. Điều này khiến nhiều quan điểm tỏ ra lo ngại về khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4% của năm 2018.

Theo quan điểm của ông Lâm, để giữ mức CPI bình quân năm 2017 dưới 4%, trong bối cảnh có thể điều chỉnh hết giá các mặt hàng do nhà nước quản lý như kế hoạch đề ra Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường. Chính phủ và một số bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.
Về vấn đề này, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê khẳng định: “Mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% của 2018 sẽ đạt đượ̣c”.
Theo tính toán của Tổng cục Tống kê, các yếu tố tác động đến CPI gồm yếu tố điều hành và yếu tố thị trường.
Theo đó, bà Ngọc cho hay, trong 6 tháng cuối năm, yếu tố điều hành tác động đến lạm phát như: Từ ngày 1/7/2018 sẽ tăng lương tối thiểu mức lương cơ sở sẽ ảnh hưởng đến khu vực sử dụng nhân công, giá dịch vụ giáo dục vào tháng 9/2018.

“Có 1 yếu tố kiềm chế lạm phát, đó là dịch vụ y tế tháng 7/2018 có điều chỉnh định mức tiêu hao vật tư, theo đó một số dịch vụ có thể giảm, ví dụ như dịch vụ giường nằm… Đây là điểm tích cực.
Giá xăng dầu cũng là yếu tố khó dự báo, là yếu tố rủi ro của 6 tháng cuối năm tác động tới lạm phát. Những ngày gần đây giá xăng dầu tăng theo các diễn biến kinh tế chính trị của thế giới. Trong đó, có việc OPEC cam kết tăng sản lượng nhưng đã không tăng như con số dự kiến ban đầu”, bà Ngọc nói.
Thêm vào đó, bà Ngọc cũng khẳng định rằng có nhiều yếu tố tiềm ẩn làm tăng lạm phát, đó là những yếu tố liên quan đến thị trường, thời tiết. Cụ thể, về yếu tố thị trường, giá thực phẩm, trong đó cụ thể là thịt lợn tăng cao trong 6 tháng đầu năm, đây cũng là yếu tố tiềm ẩn cho 6 tháng cuối năm. Tiêu dùng thực phẩm 6 tháng cuối năm cũng là yếu tố tiềm ẩn tác động đến lạm phát.
Ngoài ra, bà Ngọc cũng cho biết thêm yếu tố thiên tai 6 tháng cuối năm cũng là yếu tố tiềm ẩn tác động đến CPI 6 tháng cuối năm.
“Tuy nhiên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn theo dõi sát sao những diễn biến thị trường, giá cả trong nước và quốc tế, Ban điều hành giá đứng đầu là Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng theo dõi để kịp thời đưa ra các kịch bản về lạm phát nhằm tham mưu cho Chính phủ trong điều hành giá cả nhằm kiểm soát lạm phát. Vì vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% của 2018 sẽ đạt đượ̣c”, bà Ngọc khẳng định.
Huyền Trang