14 tỷ USD để xây mới, sửa chữa nâng cấp 11 sân vận động và sân bay để phục vụ cho World Cup 2018.

Nga không quá mong đợi vào thành tích thể thao của đội nhà ở World Cup 2018, vậy còn hiệu quả kinh tế là gì?
Lễ khai mạc World Cup đã diễn ra tại sân vận động Luzniki (Moscow), thủ đô LB Nga vào ngày 14/6/2018. Chi phí để chuẩn bị và tổ chức Giải vô địch thế giới này lên đến 883 tỷ rúp.
Thoạt nghe cứ tưởng đó là con số trên trời. Nhưng chi phí dự kiến ban đầu thậm chí còn lớn hơn thế. Dù sao, chi phí ước tính cho giải bóng đá lớn nhất hành tinh này chỉ bằng một nửa so với Thế vận hội mùa đông 2014.
Nga đã lập kỷ lục thế giới. Rõ ràng là đội tuyển của Nga chắc chắn sẽ không phải là người chiến thắng trong bóng đá, nhưng về khoản chi phí thì Nga đã bỏ xa các đối thủ khác.
Theo tính toán của Hãng thông tấn Nga RBK thì 883 tỷ rúp, tương đương với 14 tỷ đô la là chi phí cuối cùng cho giải vô địch thế giới.
Kinh phí được phân bổ từ các nguồn như sau: 390 tỷ được phân bổ từ ngân sách liên bang (chủ yếu chi cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, các sân vận động mới, các sân tập và phục vụ công tác an ninh).
Các địa phương bổ sung thêm 298 tỷ đồng (chỉ riêng Moscow, nơi tổ chức lễ khai mạc và bế mạc đã phải chi đến 189 tỷ đô la). Và, cuối cùng là các nhà đầu tư tư nhân chiếm 195 tỷ – họ chủ yếu đầu tư vào việc xây dựng các cơ sở giao thông và khách sạn mới.

Để so sánh: chi phí cho Thế vận hội – 2014 ở Sochi lên đến hơn 1,5 nghìn tỷ rúp. Nhưng thực sự số tiền trên chỉ chi cho các công trình thể thao 325 tỷ, còn lại là phục vụ cho việc cải tạo thành phố, trong đó giải quyết được vấn đề về giao thông và các tiện ích xã hội khác.
Như người ta có thể thấy, việc chuẩn bị cho World Cup không phải chỉ là xây dựng các sân vận động mới mà còn là triển khai các dự án cơ sở hạ tầng, những công trình thiết yếu sẽ được sử dụng sau World Cup.
Đặc biệt, tại Rostov-on-Don đã xây được một sân bay mới Platov – đây là sân bay đầu tiên của Nga được xây dựng mới hoàn toàn trong những năm gần đây. Nó được xây dựng bằng tiền của công ty “Sân bay các khu vực” do ông Viktor Vekselberg đứng đầu.
Tại Moscow, sân bay Sheremetyevo cũng được xây dựng thêm một tòa nhà ga B mới (cho tuyến hàng không nội địa), được kết nối với nhà ga D bằng các tàu cao tốc chạy ngầm dưới đất.
Tại đây, người ta còn xây mới một bãi đậu xe đa cấp có sức chứa 2.500 xe. Nhà đầu tư của công trình xây dựng này là công ty tư nhân “Sheremetyevo Holding”, được cho là có mối liên hệ với Arkady Rotenberg.
Ngoài ra, tại sân bay St Petersburg cũng xây thêm nhà ga Pulkovo mới, rồi các nhà ga bổ sung mới tại các sân bay của thành phố Samara, Volgograd và Nizhny Novgorod, sân bay Koltsovo ở Yekaterinburg cũng được cải tạo, nâng cấp…
Để tiết kiệm ngân sách, chính phủ Nga đã phải từ bỏ một số dự án đầy tham vọng: 2 tuyến đường sắt cao tốc Moscow-Sochi và Moscow-Vienna không được xây dựng. Và cũng không có tuyến giao thông cao tốc nào kết nối các sân bay địa phương với các trung tâm thành phố được xây dựng thêm.
Nói về động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của du lịch Nga do việc tổ chức World Cup mang lại, hãng thông tấn Svoboda (Nga) đã có cuộc trò chuyện với ông Arkady Gines- Giám đốc phụ trách công tác phát triển dịch vụ lữ hành của Công ty OneTwoTrip.

PV: – Thưa ông Arkady Alexandrovich! theo ông, việc tổ chức World Cup sẽ tạo ra cú huých cho sự phát triển của du lịch trong nước trong tương lai lâu dài? Liệu thời gian sau này, người hâm mộ có đến với chúng ta nữa không?
Arkady Gines: – Các sự kiện mang tầm cỡ quốc tế luôn dẫn đến sự quan tâm của du khách tới thị trường du lịch nhiều hơn. Hầu như không có ngoại lệ đối với quy tắc này.
Chúng ta có thể thấy điều này ngay ở ví dụ về Hàn Quốc. Sau Thế vận hội (tại Hàn Quốc), doanh thu vé máy bay từ Nga đến Hàn Quốc tăng 60%.
Với chi phí trung bình cho mỗi chuyến bay là 25 nghìn rúp cộng với thời gian lưu trú cho mỗi chuyến đi thì kết quả này là rất đáng kể.