Những ngày qua, dư luận dấy lên 'một làn sóng khủng khiếp' xung quanh Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là Luật Đặc khu).

Trả lời báo chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kể: “Một làn sóng rất khủng khiếp trong vấn đề này, nhất là giới trí thức rất tâm tư. Tôi nhận điện thoại, tin nhắn, thư góp ý gửi tới rất nhiều”.
Đây trước hết là tín hiệu rất đáng mừng bởi dù đồng tình hay phản đối, nó đều thể hiện tình yêu đối với Tổ quốc, tinh thần trách nhiệm cao đối với tương lai. Nó còn thể hiện ý chí quật cường, bằng mọi giá bảo vệ nền độc lập của dân tộc, không khuất phục dù dưới bất cứ hình thức nào như lời của Thủ tướng:
“Tinh thần yêu nước như thế chúng ta rất hoan nghênh. Và tôi tin, với tinh thần của một dân tộc yêu nước như vậy, ta không bao giờ sợ mất nước…”.
Về dư luận, có hai luồng ý kiến khác nhau, ủng hộ và không mà trong đó, sự lo ngại, thậm chí phản đối Dự luật chiếm số nhiều. Những ý kiến này hầu hết đều dồn lo lắng vào độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Đây là mối lo chính đáng bởi thực tế, việc quản lý tại một số khu công nghiệp vừa qua đã khiến người dân có cơ sở để nghi ngại và Biển Đông vẫn luôn rập rình dậy sóng.
Vế ý kiến đồng tình, tuy ít hơn nhưng cũng rất đáng để suy nghĩ.
Lý do thứ nhất là bởi phát triển kinh tế đang là vấn đề cấp thiết, không thể chần chừ. Hiện, chúng ta đang tăng trưởng cao nhưng là không thể nói là bền vững.Song, nếu giữ được mức tăng trưởng như hiện nay chẳng hạn thì mục đích ngang bằng với các nước trong khu vực cũng phải kéo dài nhiều thập kỉ nữa. Do đó, cần phải có những bước đột phá mạnh mẽ để tạo sự phát triển vượt bậc.
Thứ hai, mô hình đặc khu nhiều nước đã áp dụng, có nước thành công và có nước thất bại. Tuy chúng ta đi sau nhưng không có nghĩa là “Trâu chậm uống nước đục” mà ngược lại, hoàn toàn có thể là một lợi thế nếu chúng ta biết học hỏi cái hay, tránh đi cái dở.
Thứ ba, do đi sau nên muốn thu hút đầu tư, cần phải có những chính sách ưu đãi mà thời hạn lâu dài là một trong những ưu đãi hấp dẫn.
Song, vấn đề quan trọng là nó sẽ được vận hành như thế nào? Hành lang pháp lý ra sao? Đặc biệt là về yếu tố con người như lời Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Cơ chế đặc biệt thì con người cũng phải đặc biệt!
BÙI HOÀNG TÁM (Kiến thức gia đình số 24)