Dù đạt được một số kết quả bước đầu khi TPHCM bắt tay thực hiện 7 chương trình đột phá được khởi động từ năm 2015, thế nhưng đến nay nhìn lại vẫn còn nhiều hạn chế cần xem xét lại như thiếu vốn cho dự án, giải phóng mặt bằng chậm, trật tự quản lý nhà nước và cả sự tham gia của người dân trong các dự án liên quan hạn chế.

Trên đây là một số nội dung được lãnh đạo TPHCM nêu ra tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 17 diễn ra sáng nay (4-7).
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy đánh giá trong khoảng 2,5 năm (nửa nhiệm kỳ) vừa qua, kinh tế thành phố đạt được kết quả nổi bật bằng việc duy trì tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, năm 2016 tăng 8,05%, năm 2017 tăng 8,25% và giữ mức cao so với cả nước.
Điều đáng khích lệ là kinh tế thành phố đang phát triển theo chiều sâu biểu hiện trên tỉ lệ đóng góp của năng suất lao động vào tăng trưởng đang tăng dần lên, trong khi đóng góp của yếu tố lao động đang giảm xuống. Năm 2017, năng suất lao động đóng góp 84% cho tăng trưởng kinh tế thành phố.
Đặc biệt, không ít chương trình đột phá phải xem lại như tình trạng thiếu vốn, giải phóng mặt bằng chậm, trật tự kỷ cương quản lý nhà nước và sự tham gia của người dân trong các dự án liên quan còn hạn chế.
Ông Nhân liệt kê các hạn chế cụ thể cần nhìn nhận lại như đối với chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị thì sau 2,5 năm, thành phố từ 75 địa điểm lấn chiếm kênh rạch giảm xuống còn 59 điểm, lấn chiếm cửa xả từ 59 giảm xuống còn 46, lấn chiếm tuyến cống từ 398 vị trí xuống còn 361 vị trí… và đây là tỉ lệ giải quyết còn khiêm tốn, chưa cao và trong việc này đòi hỏi kỷ cương và trách nhiệm tham gia của người dân là rất lớn.
Tại hội nghị sáng nay, ông Nhân cũng gợi mở một số giải pháp như: có thể thay đổi phương thức triển khai các chương trình đột phá, chẳng hạn như mỗi chương trình phải có chủ tịch hoặc một phó chủ tịch UBND thành phố phụ trách, thường vụ thành ủy cũng phân công người tham gia.
Ngoài ra, cần phải ứng dụng công nghệ mới trong từng chương trình đột phá. Chẳng hạn để giảm kẹt xe, ngoài các giải pháp cứng về cầu đường thì các giải pháp mềm là thực hiện điều tiết thông minh, nhà giữ xe thông minh trên toàn cũng rất cần thiết. Bên cạnh đó, phải đảm bảo vốn, phải ưu tiên vốn, đẩy mạnh xã hội hóa cho các dự án song song với nâng cao vai trò của người dân tham gia vào các chương rình đột phá như vận động người dân đừng xả rác để hạn chế ngập, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Trước đó, Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 năm 2015 đã thông qua 7 chương trình đột phá thực hiện trong nhiệm kỳ 2015-2020, gồm: chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chương trình cải cách hành chính; chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế; chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; chương trình giảm ô nhiễm môi trường; và chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị.
Văn Nam