Chuyên gia WB cho rằng xuất khẩu Việt Nam sẽ gặp thuận lợi, dòng tiền chảy ra nước ngoài cũng sẽ không mạnh trước tác động của việc FED tăng lãi suất.
Bình luận về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất thêm 0,25% lên mức 1,75-2%/năm, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), ông Sebastian Eckardt cho rằng không có gì đáng lo ngại vì điều này đã được dự đoán từ trước. Từ nay đến cuối năm có thể còn ít nhất một lần FED tăng lãi suất nữa.
“Đây thậm chí còn là tin tốt cho Việt Nam”, ông Sebastian nhận định. Việc tăng lãi suất được kỳ vọng sẽ khiến nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt. Vì vậy, xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi cầu bền ngoài tăng lên.

Bên cạnh đó, kinh tế trưởng WB cũng phân tích về nguy cơ dòng tiền chảy ra khỏi Việt Nam khi FED tăng lãi suất. Ông Sebastian chỉ ra ngoài tăng lãi suất, FED cũng “làm sạch” bảng cân đối trái phiếu bằng cách để cho các trái phiếu tự hết hạn.
Theo đó, Việt Nam sẽ không ảnh hưởng nhiều bởi quyết định này của FED bởi danh mục trái phiếu quốc tế của Việt Nam không lớn. “Dòng tiền nước ngoài chảy ra khỏi Việt Nam sẽ không mạnh như Indonexia”, vị chuyên gia nhận định.
Cũng trong buổi họp báo Nhìn lại kinh tế Việt Nam 6 tháng được tổ chức chiều 14/6, ông Sebastian chỉ ra một số điểm WB cho rằng đáng quan ngại của nền kinh tế Việt Nam.
Đó là chủ nghĩa bảo hộ thương mại tại các thị trường sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam.
Đặc biệt, WB bày tỏ quan ngại về tốc độ tăng trưởng tín dụng của Việt Nam. Năm 2017 hầu hết các nước đều giảm tăng trưởng tín dụng, trong khi đó tỷ lệ này ở Việt Nam vẫn cao. Điều này được chuyên gia cảnh báo sẽ ảnh hưởng đến nền tài chính quốc gia, năng lực cạnh tranh trong tương lai cũng như năng suất lao động.
“Tăng trưởng tín dụng trên tăng trưởng GDP rất cao, đẩy mạnh rủi ro trong khu vực ngân hàng và có thể gây ra bong bóng giá tài sản”, đại diện WB phân tích cụ thể.
WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ đạt 6,8%. Tăng trưởng GDP năm 2019 và 2020 sẽ lần lượt ở mức 6,6% và 6,7%.
N.A